Bị sa thải vì từ chối điều chuyển công việc quá 60 ngày/năm có hợp pháp không?

30Th12

Bị sa thải vì từ chối điều chuyển công việc quá 60 ngày/năm có hợp pháp không?

Hỏi: Người lao động không chấp nhận bị điều chuyển sang công việc khác quá 60 ngày trong một năm nên nghỉ việc mà bị kỷ luật sa thải, quyết định này có hợp pháp không?

Trả lời:

Việc người lao động từ chối điều chuyển công việc vượt quá thời hạn 60 ngày làm việc trong một năm và sau đó bị áp dụng hình thức kỷ luật sa thải đặt ra câu hỏi về tính hợp pháp của quyết định này. Cùng Luật Sao Kim phân tích vấn đề dựa trên quy định của Bộ luật Lao động 2019.

Quyết định điều chuyển công việc quá 60 ngày có hợp pháp không?

Theo Điều 29 Bộ luật Lao động 2019, người sử dụng lao động chỉ được tạm thời chuyển người lao động làm công việc khác so với hợp đồng lao động trong các trường hợp đặc biệt như thiên tai, hỏa hoạn, dịch bệnh nguy hiểm, hoặc do nhu cầu sản xuất kinh doanh. Tuy nhiên, việc điều chuyển này phải tuân thủ các giới hạn:

  • Không quá 60 ngày làm việc cộng dồn trong một năm, Nếu vượt quá 60 ngày, cần có sự đồng ý bằng văn bản của người lao động.
  • Thông báo trước:Người sử dụng lao động phải báo trước ít nhất 03 ngày làm việc, nêu rõ thời hạn điều chuyển và đảm bảo công việc phù hợp với sức khỏe, giới tính của người lao động.

Trường hợp này người sử dụng lao động tự ý điều chuyển người lao động quá thời hạn 60 ngày mà không có sự đồng ý bằng văn bản của họ, do đó quyết định này được xem là trái pháp luật.

Kỷ luật sa thải có hợp pháp không?

Nếu việc điều chuyển công việc là trái pháp luật, việc kỷ luật sa thải người lao động vì từ chối điều chuyển cũng không có cơ sở pháp lý. Điều này được làm rõ qua các quy định sau:

1. Người lao động không có lỗi khi ngừng việc:

Theo khoản 4 Điều 29 Bộ luật Lao động 2019, nếu người lao động không đồng ý làm công việc khác quá 60 ngày và phải ngừng việc, người sử dụng lao động có trách nhiệm trả lương ngừng việc. Mà theo điều 99 Bộ luật Lao động 2019, người lao động chỉ được trả lương ngừng việc nếu không có lỗi dẫn đến việc phải ngừng việc. Do đó trong trường hợp này, người lao động không có lỗi vì họ chỉ thực hiện quyền từ chối theo đúng quy định pháp luật.

2. Không có căn cứ để áp dụng kỷ luật sa thải:

Theo khoản 4 Điều 125 Bộ luật Lao động 2019, kỷ luật sa thải chỉ được áp dụng đối với trường hợp người lao động tự ý bỏ việc không có lý do chính đáng. Trong trường hợp này, người lao động ngừng việc do quyết định điều chuyển trái pháp luật của người sử dụng lao động. Vì vậy, họ không tự ý bỏ việc và không có lỗi để áp dụng hình thức kỷ luật sa thải.

Kết luận

Quyết định kỷ luật sa thải người lao động trong trường hợp này là trái pháp luật. Khi gặp phải trường hợp này, Người lao động trong trường hợp này có quyền yêu cầu cơ quan có thẩm quyền giải quyết tranh chấp lao động bảo vệ quyền lợi hợp pháp của mình.

 

zalo
facebook