Giải quyết vấn đề dân sự trong vụ án hình sự được thực hiện như thế nào?
Trong quá trình giải quyết một vụ án hình sự, không ít trường hợp phải đồng thời xem xét và xử lý những vấn đề dân sự phát sinh từ hành vi phạm tội. Việc này vừa đảm bảo quyền lợi cho các bên liên quan, vừa giúp quá trình tố tụng được toàn diện và công bằng hơn. Tuy nhiên, việc giải quyết vấn đề dân sự trong vụ án hình sự được thực hiện như thế nào và trong trường hợp nào thì phần dân sự được tách ra thành vụ án riêng? Bài viết dưới đây sẽ làm rõ những nội dung này.
1. Nguyên tắc giải quyết vấn đề dân sự trong vụ án hình sự
Theo Điều 30 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015, vấn đề dân sự trong vụ án hình sự được giải quyết cùng lúc với việc giải quyết vụ án hình sự. Đây là nguyên tắc chung nhằm đảm bảo tính đồng bộ, tiết kiệm thời gian, chi phí và thuận tiện cho các bên tham gia tố tụng.
Tuy nhiên, nếu việc bồi thường thiệt hại, bồi hoàn chưa có điều kiện chứng minh và không ảnh hưởng đến việc giải quyết phần hình sự, thì phần dân sự có thể được tách riêng để giải quyết theo thủ tục tố tụng dân sự, khi có yêu cầu từ phía đương sự.
2. Các trường hợp được tách phần dân sự ra khỏi vụ án hình sự
Căn cứ tiểu mục 2 Mục I Công văn 121/2003/KHXX, việc tách phần dân sự chỉ thực hiện khi đáp ứng đồng thời hai điều kiện:
-
Phần dân sự không liên quan đến việc xác định cấu thành tội phạm, không ảnh hưởng đến việc xem xét tăng nặng hay giảm nhẹ trách nhiệm hình sự.
-
Thuộc một trong các trường hợp sau:
-
Chưa tìm được hoặc chưa xác định được người bị hại hoặc nguyên đơn dân sự.
-
Người bị hại chưa có yêu cầu hoặc đã có yêu cầu nhưng không cung cấp được chứng cứ đầy đủ.
-
Các bên liên quan vắng mặt tại phiên tòa, ảnh hưởng đến việc xét xử phần dân sự.
-
3. Giải quyết phần dân sự tại phiên tòa hình sự sơ thẩm
Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 chưa quy định chi tiết về cách thức giải quyết phần dân sự tại phiên tòa hình sự. Tuy nhiên, theo Công văn 121/2003/KHXX, phần dân sự có thể bao gồm:
-
Đòi lại tài sản bị chiếm đoạt.
-
Bồi thường giá trị tài sản đã bị huỷ hoại, mất mát.
-
Sửa chữa tài sản bị hư hỏng.
-
Đòi bồi thường thiệt hại về sức khoẻ, tính mạng, danh dự, nhân phẩm, uy tín,…
Nếu phần dân sự có liên quan đến yếu tố hình sự, Hội đồng xét xử có thể quyết định tạm dừng phiên toà, trả hồ sơ cho Viện kiểm sát để điều tra bổ sung.
Nếu phần dân sự không liên quan đến yếu tố hình sự và không thể làm rõ hơn tại phiên toà, Hội đồng xét xử sơ thẩm có thể ra quyết định tách riêng phần dân sự để giải quyết bằng một vụ án dân sự, khi có yêu cầu.
Đặc biệt, nếu các bên đã tự thoả thuận được hoặc không có yêu cầu giải quyết, thì Hội đồng xét xử có thể ghi nhận sự thoả thuận đó trong bản án sơ thẩm.
4. Thủ tục thụ lý phần dân sự tách riêng
Theo hướng dẫn tại Công văn 121/2003/KHXX, trong trường hợp phần dân sự được tách riêng, Toà án chỉ thụ lý giải quyết khi có yêu cầu bằng văn bản từ phía đương sự (đơn yêu cầu hoặc đơn khởi kiện).
Việc giải quyết phần dân sự sẽ tuân theo thủ tục tố tụng dân sự thông thường. Nếu vụ án hình sự bị trả hồ sơ để điều tra bổ sung hoặc xét xử lại từ đầu, sau khi có kết luận điều tra mới, Tòa án sẽ tiếp tục thụ lý và xử lý theo thủ tục chung.