Trong bối cảnh ngày càng nhiều người nổi tiếng, nhà sáng tạo nội dung tham gia quảng cáo sản phẩm trên mạng xã hội, việc hiểu và tuân thủ đúng pháp luật là điều bắt buộc, không chỉ để tránh rắc rối mà còn để bảo vệ uy tín cá nhân. Dưới đây là 4 nguyên tắc quan trọng giúp người có ảnh hưởng hoạt động quảng bá sản phẩm đúng pháp luật, đặc biệt là trong bối cảnh Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng 2023 và các nghị định hướng dẫn đã siết chặt quy định.
Thứ nhất: Kiểm tra kỹ thông tin sản phẩm trước khi ký hợp đồng quảng cáo
Theo Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng 2023, người có ảnh hưởng (KOL, influencer, nghệ sĩ…) sẽ phải chịu trách nhiệm liên đới nếu cung cấp thông tin không chính xác, không đầy đủ về sản phẩm, trừ khi chứng minh đã thực hiện đầy đủ các biện pháp kiểm tra theo quy định pháp luật.
Điều này đồng nghĩa với việc trước khi ký hợp đồng quảng cáo, người nổi tiếng cần yêu cầu doanh nghiệp cung cấp đầy đủ hồ sơ công bố sản phẩm, và phải kiểm tra kỹ thông tin về thành phần, công dụng, chất lượng…
Đặc biệt, theo khoản 7 Điều 3 Nghị định 98/2020/NĐ-CP, “hàng giả” được định nghĩa là:
-
Sản phẩm có giá trị sử dụng không đúng với bản chất tự nhiên, tên gọi, hoặc không có giá trị sử dụng như đã công bố.
-
Sản phẩm có ít nhất một chỉ tiêu chất lượng hoặc thành phần chính đạt dưới 70% so với tiêu chuẩn công bố hoặc ghi trên nhãn.
Ví dụ: Một loại sữa ghi trên nhãn có DHA giúp phát triển trí não, nhưng thực tế hàm lượng DHA chỉ đạt 40% so với công bố, thì sản phẩm đó có thể bị coi là hàng giả. Nếu người nổi tiếng quảng cáo cho sản phẩm này mà không kiểm tra kỹ hồ sơ công bố, sẽ phải liên đới trách nhiệm khi có khiếu nại.
Kết luận: Nếu phát hiện sản phẩm có dấu hiệu rơi vào nhóm “hàng giả” như quy định, tuyệt đối không nên ký hợp đồng quảng cáo.
Thứ hai: Khi ký hợp đồng quảng cáo cần ràng buộc trách nhiệm rõ ràng
Một hợp đồng quảng cáo cần được xây dựng chặt chẽ, thể hiện rõ trách nhiệm giữa hai bên, trong đó bao gồm:
-
Trách nhiệm pháp lý của doanh nghiệp nếu sản phẩm là hàng giả, hàng nhái.
-
Cam kết chất lượng sản phẩm từ phía doanh nghiệp.
-
Điều khoản bảo vệ KOL: Người nổi tiếng không chịu trách nhiệm nếu sản phẩm vi phạm pháp luật, trừ khi biết rõ nhưng vẫn cố tình quảng cáo.
-
Nêu rõ trách nhiệm kiểm tra của KOL đã thực hiện đúng theo quy định pháp luật.
-
Doanh nghiệp có nghĩa vụ cung cấp thông tin chính xác, đầy đủ về sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ cho KOL.
📌 Một bản hợp đồng có điều khoản rõ ràng không chỉ giúp tránh tranh chấp, mà còn là căn cứ pháp lý bảo vệ người nổi tiếng khi có sự cố.
Thứ ba: Khi thực hiện quảng cáo, phải minh bạch và trung thực
Người có ảnh hưởng khi quảng cáo sản phẩm cần thực hiện một cách minh bạch, công khai và không gây hiểu nhầm cho người tiêu dùng:
1. Phải thông báo rõ đây là nội dung quảng cáo hoặc được tài trợ
Không được “giả vờ” là người tiêu dùng đang chia sẻ trải nghiệm thật nếu đang nhận tiền từ doanh nghiệp.
Ví dụ vi phạm: Một TikToker đăng video nói “Sữa này con mình uống rất ngon, thông minh hơn hẳn” nhưng không nói rõ đây là video quảng cáo, trong khi đang nhận tiền từ doanh nghiệp – là hành vi vi phạm pháp luật.
2. Phải cung cấp thông tin trung thực, chính xác
Không được nói quá công dụng, thổi phồng hiệu quả, đặc biệt với các sản phẩm như thực phẩm chức năng, sữa bột, mỹ phẩm…
Ví dụ vi phạm: “Sữa này giúp con cao 10cm chỉ sau 1 tháng” – đây là thông tin không có căn cứ khoa học và nếu không có tài liệu chứng minh, sẽ bị xem là quảng cáo sai sự thật.
Thứ tư: Lưu giữ chứng cứ kiểm tra và cân nhắc tư vấn chuyên môn
Lưu trữ toàn bộ quá trình hợp tác
Người có ảnh hưởng cần giữ lại đầy đủ các tài liệu sau:
-
Hợp đồng ký kết
-
Hồ sơ công bố sản phẩm
-
Email trao đổi
-
Hình ảnh bao bì, nhãn mác sản phẩm
-
Tài liệu chứng minh tính hợp pháp của thông tin công bố
Điều này rất quan trọng để chứng minh mình đã làm tròn trách nhiệm nếu xảy ra tranh chấp hoặc bị xử lý.
👥 Xây dựng đội ngũ kiểm duyệt hoặc nhờ luật sư tư vấn
Đối với KOL có lượng theo dõi lớn hoặc thường xuyên làm việc với nhiều nhãn hàng:
-
Nên có đội ngũ kiểm duyệt nội dung trước khi đăng.
-
Hợp tác với luật sư để thẩm định hợp đồng, kiểm tra pháp lý của sản phẩm.
📌 Ví dụ thực tế: Nhiều nghệ sĩ đã bị chỉ trích hoặc điều tra sau khi quảng bá cho sản phẩm như sữa HIUP, sữa giả Cilonmum… do không kiểm soát kỹ thông tin sản phẩm, dù chỉ “đứng hình” vài giây trong quảng cáo.