Ngày 04/5/2025, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 68-NQ/TW về phát triển kinh tế tư nhân, do Tổng Bí thư Tô Lâm ký thay mặt Bộ Chính trị. Đây là một văn kiện chính trị – pháp lý có ý nghĩa quan trọng, đưa ra nhiều chính sách đổi mới nhằm khơi thông tiềm năng và hỗ trợ phát triển khu vực kinh tế tư nhân – vốn được xác định là một trong những động lực tăng trưởng quan trọng của nền kinh tế Việt Nam.
Dưới góc nhìn pháp lý, có thể khái quát 05 chính sách nổi bật mang tính đột phá như sau:
1. Xóa bỏ hình thức thuế khoán đối với hộ kinh doanh – thúc đẩy chuyển đổi sang mô hình doanh nghiệp
Theo Mục 7 Phần III của Nghị quyết, Bộ Chính trị chỉ đạo phải xóa bỏ hoàn toàn hình thức thuế khoán đối với hộ kinh doanh chậm nhất trong năm 2026.
Chính sách này nhằm:
-
Rà soát và hoàn thiện khung pháp lý cho loại hình kinh doanh cá thể;
-
Thu hẹp khoảng cách giữa hộ kinh doanh và doanh nghiệp siêu nhỏ về quản trị, kế toán, thuế;
-
Thúc đẩy số hóa, minh bạch hóa hoạt động kinh doanh;
-
Khuyến khích các hộ kinh doanh chuyển đổi thành doanh nghiệp để được hưởng đầy đủ các chính sách hỗ trợ về tài chính, pháp lý và thị trường.
Khuyến nghị pháp lý: Hộ kinh doanh nên chủ động chuẩn bị các điều kiện chuyển đổi mô hình sang doanh nghiệp, bao gồm hồ sơ, vốn điều lệ, tổ chức bộ máy, hệ thống kế toán đơn giản để kịp thời tiếp cận chính sách ưu đãi.
2. Cắt giảm tối thiểu 30% chi phí và thời gian thực hiện thủ tục hành chính
Tiểu mục 2.1 Mục 2 Phần III Nghị quyết 68 yêu cầu trong năm 2025:
-
Cắt giảm ít nhất 30% thời gian xử lý TTHC;
-
Cắt giảm ít nhất 30% chi phí tuân thủ pháp luật;
-
Cắt giảm ít nhất 30% các điều kiện kinh doanh không cần thiết.
Mục tiêu của chính sách là đơn giản hóa thủ tục, tạo môi trường kinh doanh minh bạch, giảm gánh nặng hành chính, từ đó giảm rủi ro pháp lý và chi phí cơ hội cho doanh nghiệp tư nhân.
Khuyến nghị pháp lý: Doanh nghiệp cần theo dõi cập nhật các danh mục điều kiện kinh doanh bị bãi bỏ hoặc thay đổi để điều chỉnh phương án đầu tư, sản xuất kịp thời, tránh phát sinh sai sót do chậm thích ứng.
3. Hỗ trợ giảm tối thiểu 30% tiền thuê lại đất trong 5 năm đầu
Chính sách này (đã phân tích ở bài viết trước) quy định:
-
Doanh nghiệp công nghệ cao, doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo được giảm ít nhất 30% tiền thuê lại đất trong 5 năm đầu;
-
Điều kiện là thuê đất từ các chủ đầu tư khu công nghiệp, cụm công nghiệp, vườn ươm công nghệ có quỹ đất bố trí theo tỷ lệ nhất định (ít nhất 5% hoặc 20ha/khu);
-
Khoản giảm sẽ được hoàn trả gián tiếp cho chủ đầu tư thông qua khấu trừ tiền thuê đất phải nộp cho Nhà nước.
Khuyến nghị pháp lý: Doanh nghiệp cần yêu cầu nội dung giảm giá thuê được ghi rõ trong hợp đồng thuê đất và theo dõi hướng dẫn triển khai của các Sở ban ngành tại địa phương để bảo đảm quyền lợi.
4. Được trích tối đa 20% thu nhập tính thuế TNDN để lập Quỹ phát triển KHCN và chuyển đổi số
Nghị quyết cho phép doanh nghiệp:
-
Trích tối đa 20% thu nhập tính thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) để lập Quỹ phát triển khoa học – công nghệ – đổi mới sáng tạo – chuyển đổi số;
-
Quỹ này có thể được sử dụng để doanh nghiệp tự triển khai nghiên cứu, hoặc thuê tổ chức nghiên cứu bên ngoài theo cơ chế khoán sản phẩm.
Khuyến nghị pháp lý: Doanh nghiệp nên phối hợp với bộ phận kế toán, thuế và pháp chế để xây dựng kế hoạch sử dụng quỹ hợp lệ, tránh bị truy thu thuế do sử dụng sai mục đích theo quy định tại Thông tư 05/2021/TT-BKHCN (hoặc văn bản thay thế trong tương lai).
5. Không hồi tố các quy định pháp luật gây bất lợi cho doanh nghiệp
Tiểu mục 2.3 Mục 2 Phần III của Nghị quyết khẳng định nguyên tắc:
-
Không áp dụng hồi tố các quy định pháp luật để xử lý bất lợi cho doanh nghiệp;
-
Tách bạch rõ ràng giữa trách nhiệm hình sự, hành chính và dân sự đối với doanh nghiệp, cá nhân quản lý trong xử lý vi phạm;
-
Đảm bảo quyền sở hữu, quyền tài sản, quyền tự do kinh doanh và quyền cạnh tranh bình đẳng của khu vực kinh tế tư nhân.
Khuyến nghị pháp lý: Doanh nghiệp cần lưu hồ sơ pháp lý rõ ràng về thời điểm phát sinh quyền và nghĩa vụ để có cơ sở bảo vệ quyền lợi nếu có xung đột giữa các quy định pháp luật cũ – mới.